Ngày thứ năm (02-05-2024) – Trang suy niệm

01/05/2024

Lời Chúa Hôm Nay

Thứ Năm Tuần V Phục Sinh

BÀI ĐỌC I: Cv 15, 7-21

“Tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi đã cứu xét kỹ càng, Phêrô đứng lên nói: “Hỡi anh em, anh em biết rằng từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi để dân ngoại được nghe lời Phúc Âm do miệng tôi và tin. Thiên Chúa đã thấu biết các tâm hồn và đã minh chứng bằng cách ban Thánh Thần cho họ, như đã ban cho chúng ta; Người không phân biệt chúng ta với họ, vì dùng đức tin thanh tẩy tâm hồn họ. Vậy giờ đây sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi? Nhưng chúng ta tin rằng nhờ ơn của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được cứu độ cùng một thể thức như họ”. Tất cả đám đông đều im lặng, rồi họ nghe Barnaba và Phaolô kể lại bao nhiêu phép lạ, và việc kỳ diệu Thiên Chúa đã nhờ các ngài mà thực hiện giữa các dân ngoại.

Khi hai ngài dứt lời, Giacôbê lên tiếng nói rằng: “Hỡi anh em, hãy nghe tôi. Simon đã thuật lại cách thức Thiên Chúa trước tiên đã thương chọn cho danh Người một dân giữa chư dân. Lời các tiên tri cũng phù hợp như vậy, như đã chép rằng: ‘Sau đó Ta sẽ trở lại và tái thiết lều của Đavít đã sụp đổ. Ta sẽ tu bổ những chỗ hư hại và sẽ dựng nó lên, để các kẻ còn lại và tất cả dân ngoại kêu cầu danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán và thực hành các việc đó. Từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm’. Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa, nhưng truyền cho họ kiêng những ô uế của tượng thần, đừng gian dâm, và kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng máu. Vì chưng từ thời xưa người ta đã rao giảng Môsê trong mỗi thành, họ đọc sách của người mọi ngày Sabbat trong các hội đường”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 10

Đáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).

Hoặc đọc: Alleluia.

1) Hãy ca mừng Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.

2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

3) Người giữ vững địa cầu cho nó khỏi lung lay; Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

ALLELUIA: Ga 16, 17 và 13

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ sai Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật”. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 15, 9-11

“Các con hãy ở trong tình yêu của Thầy, để niềm vui của các con được trọn vẹn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”. Đó là lời Chúa.

(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)

++++++++++++++++++

02/05/2024 – THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 5 PS

Th. A-tha-na-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT

Ga 15,9-11

Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA

“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” (Ga 15,9)

Suy niệm: “Ở lại trong tình yêu của Chúa” thực ra có nghĩa là gì? Các nhà thần học nói đó là một ‘kinh nghiệm thần bí’ mà đại đa số chúng ta chỉ hiểu một cách lờ mờ. Câu trả lời của Đức Giê-su thật đơn giản để những tâm hồn đơn sơ nhất cũng có thể lĩnh hội: nó giống như tình trạng cành nho gắn liền với thân nho, nhận lấy nhựa sống từ thân nho để sống, nhờ đó cành nho có thể trổ sinh hoa trái. Nhất là, chỉ vì yêu thương – chỉ vì “Chúa Cha yêu mến Thầy, và Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”, – mà Đức Giê-su cũng muốn cho chúng ta được hưởng điều đó. Đồng thời, Ngài còn dạy chúng ta phương thế để có thể ở lại trong tình yêu của Ngài, đó là: “Hãy tuân giữ các điều răn của Chúa”. Thánh Gio-an cho biết: ai mến Chúa thì giữ các điều răn của Chúa, “mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu?” (1Ga 5,3).

Mời Bạn: ‘Yêu mến Chúa-thực thi lời Ngài-ở lại trong tình yêu của Ngài’ đó là một chuỗi liên hoàn duy nhất làm nên đời sống người Ki-tô hữu. Bạn có thể thực hành chuỗi liên hoàn ấy như sau: ngay khi thức giấc, bạn nhớ tới Chúa và xin Ngài thánh hoá ngày mới của mình; dành ít phút để suy niệm một câu Lời Chúa để mọi việc trong ngày, bạn thuận theo ý Chúa; thường xuyên tham dự thánh lễ và rước Chúa để bạn luôn có Chúa ở với bạn; và v.v… Bạn sẽ bắt đầu chuỗi liên hoàn đời sống Ki-tô hữu của bạn bằng việc gì?

Sống Lời Chúa: Dành ít phút viếng Thánh Thể hoặc thinh lặng suy niệm 1 câu Lời Chúa và xin được ở lại trong tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ tình thương của Chúa cho chúng con và xin ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

(5 Phút Lời Chúa)

++++++++++++++++++

Suy niệm và cầu nguyện

Suy niệm:

Kitô giáo gắn liền với thánh giá.
Kitô hữu suy tôn thánh giá, hôn kính thánh giá.
Thánh giá không chỉ có mặt trong nhà thờ hay trên các đồ thánh,
mà còn đi suốt hành trình cuộc đời của một tín hữu,
từ giếng nước rửa tội đến khi ra nghĩa trang.
Thánh giá nhắc cho ta về một cái chết khủng khiếp và bi đát,
nhưng đời Kitô hữu lại không bao giờ là cuộc đời buồn.
Ngược lại, niềm vui tươi tắn là nét đặc trưng của Kitô giáo.

Trước khi bước vào cái chết, Đức Giêsu đã nói về niềm vui của mình:
“Thầy đã nói với anh em những điều ấy,
để niềm vui của Thầy ở trong anh em,
và để niềm vui của anh em được trọn vẹn” (c. 11).
Trong Tin Mừng Gioan ba lần Thầy Giêsu nói đến niềm vui trọn vẹn.
“Con nói những điều này lúc còn ở thế gian
để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con” (Ga 17,13).
Thầy Giêsu còn thúc giục các môn đệ hãy xin Cha nhân danh Thầy:
“Cứ xin đi, anh em sẽ được,
để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16, 24).
Rõ ràng Thầy Giêsu quan tâm đến niềm vui nơi tâm hồn người môn đệ.
Niềm vui của họ bắt nguồn từ niềm vui sâu kín trong lòng Thầy.
Thầy Giêsu tặng cho họ niềm vui của chính mình,
và Ngài muốn niềm vui đó phải được trọn vẹn ngay từ đời này,
bất chấp mọi đe dọa, bách hại, hiểm nguy, thống khổ.
Nỗi buồn và khóc than của thập giá rồi sẽ đến,
“nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20).

Thầy Giêsu là người có niềm vui trong tâm hồn,
vì Thầy luôn ở lại trong tình yêu của Chúa Cha, Đấng sai Thầy.
Để được ở lại trong hạnh phúc của tình yêu ấy,
Thầy đã một mực tuân giữ các lệnh truyền của Cha (c. 10b).
Thầy Giêsu cũng mong các môn đệ giữ các lệnh truyền của Thầy,
để họ được ở lại trong tình yêu của Thầy (c. 10a).
Vì lệnh truyền của Thầy Giêsu là lệnh truyền Thầy nhận từ Cha,
nên ai giữ lệnh Thầy truyền
cũng được hạnh phúc ở lại trong tình yêu của Cha và Con.

Con người hôm nay khao khát một niềm vui trọn vẹn.
Và con người tưởng mình có thể tìm được
bằng việc thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của mình.
Nhưng tiếc thay khoái lạc vô độ chỉ đem lại sự buồn chán và nô lệ.
Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền.
Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu!
Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy!
Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu.
Rồi chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc
ngay trong cuộc sống đầy nước mắt ở đời này.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.

Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

(phutcaunguyen.net)

++++++++++++++++++

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

2 THÁNG NĂM

Viên Đá Góc

Đức Kitô là viên đá góc: “Người là viên đá mà quí vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4, 11). Những người không đón nhận lời chứng của Tin Mừng và xử tử Đức Kitô trên Thập Giá là những người đã loại bỏ viên đá này. Những người cố sức tổ chức thế giới và đời sống xã hội không cần đến Đức Kitô và chống lại Người, chẳng phải họ đang loại bỏ Người một lần nữa đó sao? Thế nhưng, viên đá bị loại bỏ – và bị loại bỏ quá nhiều lần này – chính là viên đá góc.

Công trình cứu độ con người chỉ có thể đứng được trên nền móng duy nhất là Đức Kitô. Chỉ nơi Người mới có nền tảng vững chắc để xây dựng trật tự và hòa bình đích thực giữa con người với con người. Chỉ nhờ Người, chúng ta mới có thể được đổi mới tâm linh và triển nở đến mức sung mãn theo sự tiền định từ đời đời dành sẵn cho mình. Chỉ qua Người, thế giới con người chúng ta mới có thể trở thành ‘người’ đích thực hơn.

– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –

Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác

LIFT UP YOUR HEARTS

Daily Meditations by Pope John Paul II

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 02/5

Thánh Athanasiô, Giám mục

Tiến sĩ Hội Thánh

Cv 15, 7-21; Ga 15, 9-11.

Lời suy niệm: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. (Ga 15,9)

          Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người trong chúng ta cần phải khám phá ra tình yêu của Chúa Cha đối với Người như thế nào: như sau khi Người chịu phép rửa của Gioan từ dòng sông Gio-đan bước lên, Thiên Chúa đã cho biết: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Và rồi khi Người biến hình trên núi, cũng có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Giúp cho mỗi người trong chúng ta biết tình yêu của Cha đối với Người. Và giờ đây Chúa Giêsu giới thiệu sợi giây yêu thương đó, luôn được liên kết từ Chúa Cha, rồi qua Người và qua mỗi người trong chúng ta.

          Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa và lấy làm hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của Ba Ngôi Cực Thánh. Amen.

Mạnh Phương

+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 02-05: Thánh ATHANASIÔ

Giám mục Tiến Sĩ Hội Thánh (295 – 373)

Thánh Athanasiô sinh khoảng năm 295 có lẽ tại Alexandria. Gia đình Ngài rõ ràng là khá giả vì sau này Ngài có dịp trốn ở phần mộ của gia đình, Ngài đã theo môn cổ học và sau này thường trích dẫn các tác giả cổ. Có lẽ Ngài cùng theo học tại một trường Giáo lý ở Caêsarêa nên tư tưởng của Ngài thấm nhuần Kinh thánh, cả những chú giải Kinh thánh và cũng theo truyền thống các giáo phụ nữa.

Vào khoảng 25 tuổi Athanasiô đã có một thời sống với thánh Antôn ẩn tu. Bốn mươi năm sau, Ngài đã mời thánh An tôn ẩn tu về Alexandria để góp phần bảo vệ đức tin. Khi qua đời thánh ẩn tu đã nhường lại cho Athanasiô cái áo choàng Ngài vẫn dùng đắp mình khi ngủ và tấm da chiên để dùng sưởi ấm lúc tuổi già. Những năm chung sống nơi sa mạc với vị thánh ẩn tu này đã tạo nên nét thánh thiện và nhân cách của Athanasiô.

Vào năm 320, Athanasiô mới bắt đầu góp phần vào lịch sử. Khi ấy Đức Cha Alexander Giám mục Alexandria cảm phục và triều vời Athanasiô từ sa mạc về, đặt làm phó tế. Khi ấy Ariô là cha sở Boucalis. Ong ta là một nhà giảng thuyết danh tiếng, có một cuộc sống khắc khổ và hướng dẫn các trinh nữ hiến mình cho Thiên Chúa. Ariô đã sáng nghĩ và rao giảng những ý tưởng lầm lạc cho rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa không có từ đời đời, không cùng bản tính với Chúa Cha mà chỉ là một thụ tạo được mang danh hiệu Con Thiên Chúa”. Athanasiô đã bảo bỏ những sai lầm này. Bút pháp và nội dung của bức thông điệp Đức Giám mục Alexander ban hành năm 322 cho thấy tác giả chính là Athanasiô.

Tại công đồng Nicea, thánh Athanassiô tháp tùng Đức Giám mục Alaxander và đã góp phần vào bản văn chung quyết của cộng đồng, trong đó định tín rằng: Chúa Con đồng bản tính với Chúa Cha. Ngài đã trở thành mục tiêu cho bọn lạc giáo ghen ghét.

Mùa hạ năm 328, Đức Giám mục Alexander qua đời và đặt Athanasiô lên kế vị. Nhận thấy mình bất xứng, Athanasiô đã bỏ trốn, nhưng rồi bị ép buộc lãnh nhận trách nhiệm. Ngài đã tỏ ra có nhân cách khôn sánh, có ý chí bất khuất và rất thông minh. Rảo quanh khắp giáo phận rộng lớn, Ngài gặp thánh Dachômiô từ trong sa mạc, là Đấng đã nghe Chúa nói với mình rằng: – Ta đã đặt Athanasiô làm cột trụ Giáo hội, nhưng Ngài sẽ bị đau khổ nhiều.

Nhưng Athanasiô không sợ đau khổ. Nhiều lần Ngài đã bị trục xuất khỏi giáo phận. Trước hết, dưới ảnh hửơng của những người theo phái Ariô, năm 335 thánh Athanasiô bị vua Constantinô đầy đi Trier ở biên thùy nước Đức. Tại đây Ngài trước tác một số tác phẩm nay vẫn còn danh tiếng.

Nhưng rồi nămsau. Ariô chết cách khốn khổ. Vua Constantinô cho thánh nhân được trở về giáo phận, Ngài chỉ trở lại hai năm sau tức năm 337 khi thấy nhà vua mới Constance ngả về phía lạc giáo. Cuộc trở về của thánh nhân diễn ra như một cuộc khải hoàn. Tuy nhiên từ năm 337 đến năm 366, cuộc đời Ngài là một cuộc chiến đấu liên tục với nhóm người ngả theo Ariô có, bảo thủ có, buông thả để an phận có. Chính hoàng đế cũng muốn can thiệp để sửa đổi giáo thuyết Hội Thánh khiến các thù dịch tỏ ra độc ác và tìm cách tiêu diệt vị giám mục. Lần kia đang lúc thánh Athanasiô dâng lễ, bọn lính xâm nhập thánh đường. Thánh nhân trốn thoát được và ẩn mình trong sa mạc. Sợ những người chứa chấp bị liên lụy Ngài ẩn mình trong một hang đá. Và không ngừng trung thành với đức tin chân chính.

Hoàng đế Constance qua đời, Juliano người sẽ mang biệt danh là kẻ bội giáo, lên kế vị và cho phép những kẻ lưu đày trở về. Đức Giám mục Athanasiô trở lại giáo phận và thiết lập trật tự trong giáo đoàn cũng như lo truyền bá đức tin sang Ethiopie và Ả Rập.

Ngài chống lại các mê tín dị đoan khiến các lương dân tức giận. Họ quyết sát hại thánh nhân. Lần này, Ngài lại phải chạy trốn theo lệnh của nhà vua, bội giáo chèo thuyền dọc sông Nil, Ngài bị quân lính đuổi theo sát nút. Nguy ngập Ngài quay thuyền lại để gặp họ. Bọn lính hung hăng hỏi thăm xem còn cách vị giám mục bao xa. Ngài trả lời : – Chèo mạnh lên, ông không ở xa đâu.

Bọn lính vội vã làm theo và thánh nhân thoát nạn, Ngài lang thang đây đó cho tới khi Vua Julianô qua đời, vào năm sau. Jovianô, vị tân hoàng đế rất kính phục đức giám mục và thích đàm luận với Ngài. Nhưng triều đại của ông lại quá vắn vỏi. Khi Valens lên nắm quyền cai trị, lại một cuộc bách hại mới mở ra. Một lần nữa thánh Athanasiô lại phải trốn đi. Trong bốn tháng liền, Ngài ẩn mình trong phần mộ của gia đình.

Sau cùng Valens vì hiểu được lòng kính phục của dân Ai cập đối với vị giám mục của họ, và không muốn xa rời dân chúng nên chịu cho Ngài trở về. Những năm cuối đời, thánh nhân được sống trong yên ổn phần nào, bởi vì lúc ấy cuộc tranh chấp thực sự chưa ngã ngũ, Ngài qua đời ngày 02 tháng 5 năm 373. Phải đợi năm năm sau, cuộc tranh luận của cộng đồng Nicêa mới toàn thắng với cái chết của Valens.

Thánh Athanasiô đã viết những tác phẩm vĩ đại nhất trong 30 năm xáo trộn. Cuốn Uncarnatione Verbi hoàn thành năm 337, cuốn Virginitate và Orationes khoảng năm 357, cuốn Contra Arianô có thể sau năm 362. Ngài đã viết rất nhiều và mọi tư tưởng Ngài cũng như cuộc sống Ngài tập trung vào hai ý niệm: Chúa Con là sự bày tỏ của Chúa Cha, và Giáo hội là sự bày tỏ của Chúa Con. Giáo hội Tây phương kính nhớ Ngài như thánh tiến sĩ Chúa Ba Ngôi, nhưng trước hết, Ngài là Thánh Tiến sĩ về mầu nhiệm nhập thể và về Ơn thánh .

(daminhvn.net)

+++++++++++++++++

02 Tháng Năm

Ðức Mẹ Guadalupe 

Dạo tháng 5/1990, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho một người thổ dân Mehico tên là Juan Diego, người được Ðức mẹ hiện ra tại Guadalupe…

Juan Diego là một người thổ dân nghèo sống với người cậu tại làng Telpetlao thuộc ngoại ô thủ đô Mehico vào khoảng thế kỷ 16. Một buổi sáng thứ bảy nọ, trên đường đi đến thánh đường để dự thánh lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn đồi. Anh tiến lại gần và thấy một thiếu nữ xinh đẹp tự xưng là Trinh Nữ Maria. Ðức Mẹ nói với người thổ dân nghèo như sau: “Ta muốn có một đền thờ được dựng lên tại đây để Ta dùng tình thương, niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta mà bày tỏ Thiên Chúa cho loài người. Con hãy đi gặp vị giám mục Mehico và nói với Ngài rằng Ta sai con đến gặp Ngài để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin tưởng rằng Ta sẽ biết ơn con và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con được giàu có và tôn vinh con”.

Juan đến gặp vị giám mục, nhưng anh ta buồn bã trở về làng, vì giám mục không tin lời của anh. Ðức mẹ lại hiện ra cho anh một lần nữa và cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị giám mục. Nhưng lần thứ hai, dù cho anh có van nài khóc lóc, vị giám mục vẫn một mực không tin. Vị giám mục nói với người thổ dân nghèo rằng: “Nếu Ðức Mẹ thực sự muốn điều đó thì xin Ngài hãybày tỏ một dấu lạ”. Và ngài bí mật cho người theo dõi. Lần thứ ba, Ðức Mẹ lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Ngài bảo anh: “Hãy trở lại vào ngày mai và Ngài sẽ cho vị giám mục một dấu lạ”.

Ngày hôm sau, Juan Diego không thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được vì anh còn phải đi tìm thầy thuốc cho người cậu đang mắc bệnh. Nhưng khi đi qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra. Ngài bảo đảm với anh rằng người cậu của anh sẽ được lành bệnh và thay vì để Juan tiếp tục lên đường đi Mehico để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến nơi Ngài hiện ra cho anh lần đầu tiên. Tại đây, Ngài sẽ cho anh những cánh hoa thật đẹp và dấu lạ để mang đến cho vị giám mục… Lúc bấy giờ đang là mùa đông và ngọn đồi nơi Juan được Ðức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai và xương rồng. Thế nhưng, hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc. Juan hái lấy dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng để đựng hoa mang đến cho vị giám mục…

Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị giám mục xem thì lạ lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in trên chiếc áo của anh… Tin ở lời Ðức Mẹ, vị giám mục đã tức tốc lên đường đến làng Ðức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan. Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được lành bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra từ đó… Một đền thánh dâng kính Ðức Mẹ đã được xây cất để rồi cuối cùng trở thành Vương cung thánh đường Guadalupe như chúng ta vẫn quen gọi.

Trong thánh lễ tôn phong chân phước cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe ngay buổi chiều chủ nhật khi vừa đến Mehico, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi người dân Mehico hâm nóng lại tinh thần truyền giáo. Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho người khác. Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức Mẹ, chân phước Juan Diego đã được sai đi… Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự giúp đỡ của Ðức mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị giám mục…

Người Kitô, từ bản chất là người được sai đi và sứ điệp của họ chính là sứ điệp của yêu thương… Cùng với những cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm này, chúng ta được mời gọi để mang những cánh hoa yêu thương đến cho mọi người. Tình thương, sự giúp đỡ của Mẹ dành cho chúng ta cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao qua cuộc sống dạt dào Tình Mến đối với mọi người.

(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm – Tuần V – PS

Bài đọc: Acts 15:7-21; Jn 15:9-11.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những gì là cốt tủy của Kitô Giáo.

Tiếp tục những gì chúng ta đã bàn hôm qua về việc tìm ra đâu là cốt tủy của Kitô Giáo mà cả hai, Do-thái cũng như Dân Ngoại, phải giữ; những gì có thể thích ứng; và những gì có thể tùy mỗi dân tộc.

Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra vấn đề qua những đóng góp ý kiến của các nhân vật quan trọng. Trong Bài Đọc I, sau khi đã cùng nhau bàn luận, Phêrô đã đứng lên góp ý kiến như sau: Vì Thánh Thần cũng được ban cho Dân Ngoại cũng như cho dân Do-thái, vì con người được thanh tẩy nhờ đức tin chứ không nhờ Lề Luật, và vì con người nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà được cứu độ chứ không do sức lực của con người; nên không thể bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống của người Do-thái. Sau Phêrô, Giacôbê, một Tông-đồ có thế giá tại Giáo Hội Jerusalem cũng lên tiếng bênh vực cho Dân Ngoại: Theo lời các ngôn sứ, Dân Ngoại cũng được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Ông cũng đồng ý không nên bắt Dân Ngoại phải cắt bì và giữ truyền thống Do-thái; chỉ nên viết thư khuyên nhủ họ 3 điều: không được ăn thịt cúng, không được gian dâm, và không được ăn những súc vật không cắt tiết, cũng như không được ăn tiết. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến giới luật yêu thương là nền tảng của Kitô Giáo: Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ý kiến của các Tông đồ về những gì cần áp dụng cho Dân Ngoại.

1.1/ Ý kiến của Simon Phêrô: Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các Dân Ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo.” Phêrô đề cập đến 3 lý do chính yếu tại sao không nên bắt Dân Ngoại cắt bì và giữ các truyền thống Do-thái:

(1) Thánh Thần được ban cho các Tông-đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần cũng được ban cho Dân Ngoại: “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.” Đó là lý do tại sao ông làm Phép Rửa cho viên Đại Đội Trưởng Roma, Cornelius và những người trong nhà của ông (Acts 10:44-48).

(2) Được cứu độ nhờ đức tin, chứ không do việc giữ Luật: Thiên Chúa dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ, chứ không bằng Lề Luật! Ở đây cũng như trong Thư Galat của Phaolô, ông ví Lề Luật như cái ách của người nô lệ (Gal 5:1): “Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi?”

(3) Được cứu độ nhờ ơn thánh, chứ không do sức con người: Con người được cứu độ là hoàn toàn do bởi ân sủng của Thiên Chúa: “Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”

1.2/ Ý kiến của Giacôbê, Giám Quản Jerusalem: Tuy là người hết sức tuân giữ Lề Luật, nhưng ông cũng lên tiếng bảo vệ các tín hữu Dân Ngoại.

(1) Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ: Trước hết, ông nhìn nhận Dân Ngoại được bao gồm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, như lời các ngôn sứ đã loan báo: “Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều David đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các Dân Ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa” (x/c Amo 9:11-12 và Jer 12:15).

(2) Kết luận của ông Giacôbê: Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc Dân Ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ:

– Kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng: Niềm tin ăn đồ cúng cho thần sẽ được trở nên giống thần, cũng như người Kitô hữu tin ăn Mình Chúa sẽ trở nên giống như Chúa (I Cor 10:20). Vì thế, một người không thể vừa tham dự bàn tiệc của Chúa, vừa tham dự bàn tiệc của thần ngoại (I Cor 10:21). Trước đó, Phaolô phân biệt giữa việc ăn thịt cúng vì biết chẳng có thần nào ngoài Chúa và việc gây ngộ nhận cho những người yếu đức tin (I Cor 8:1-13).

– Tránh gian dâm (Lev 18:6-18:26): Đây là giới răn thứ 6 và 9 của Thập Giới. Có những dân tộc không cho gian dâm là tội như một số người Hy-lạp. Trong một thế giới không trong sạch, những dạy dỗ của Đức Kitô về sự trong sạch là những gì mới lạ cho Dân Ngoại.

– Kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết (giết bằng cách thắt cổ) và kiêng ăn tiết: Máu là sự sống; ăn máu là ăn sự sống, và sự sống thuộc về Thiên Chúa. Con người không có quyền trên sự sống (Lev 17:10-14, Gen 9:4). Giacôbê muốn khuyên Dân Ngoại phải ăn thịt lòai vật theo kiểu của người Do-thái: phải cắt tiết con vật, phải để máu chảy ra hết, và không được ăn máu súc vật.

2/ Phúc Âm: Giới luật yêu thương là nền tảng quan trọng nhất.

(1) Liên kết tình thương giữa Thiên Chúa và con người qua Đức Kitô: “Như Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Nếu phải đơn giản hóa Kitô Giáo, chúng ta có thể nói Kitô giáo là Đạo của tình yêu: “mến Chúa và yêu thương tha nhân.” Nhưng tình thương được thể hiện qua sự vâng lời: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” Chúa Giêsu muốn con người giữ các giới răn vì Ngài biết những điều đó tốt cho con người, nhưng con người không luôn nhận ra.

(2) Hậu quả của yêu thương là có được niềm vui trọn vẹn: Mục đích của Kitô Giáo không phải là giam hãm con người trong Lề Luật; nhưng giúp con người hưởng trọn niềm vui của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta được cứu độ không bằng nỗ lực giữ trọn vẹn Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô, dưới sự trợ giúp của ơn thánh.

– Đạo lý căn bản của Kitô Giáo là giới luật yêu thương. Thiên Chúa là tình yêu; Ngài thông ban tình yêu của Ngài cho con người qua Đức Kitô, và Ngài muốn con người yêu nhau bằng tình yêu này.

– Mục đích của Đạo là làm sao con người được hưởng trọn vẹn niềm vui của Thiên Chúa; chứ không phải giam hãm con người trong những luật lệ cứng nhắc để làm tội con người.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

****************